..


CHÀO CÁC BẠN GHÉ THĂM BLOG CỦA ĐOÀN LHSBUL 69'




Cảm ơn Bạn thăm Trang Blog
của Lưu học sinh học tại Bulgaria khoá 69-75!

ДОБРЕ ДОШЛИ В САЙТА НА БИВШИТЕ ВИЕТНАМСКИ СТУДЕНТИ В БЪЛГАРИЯ 1969-1975Г!


Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Hương vị khó quên của măng đắng Ngàn Me (Thái Nguyên)


Huong vi kho quen cua mang dang Ngan Me (Thai Nguyen)

Vùng đất Đồng Hỷ không chỉ nổi tiếng với vải thiều, chè, nơi đây còn có món đặc sản măng đắng mà nếu ai đã từng thưởng thức hẳn sẽ khó quên được vị đắng, ngọt đặc biệt.

Người dân TP. Thái Nguyên thường gọi món măng này là măng Ngàn Me bởi nó được lấy từ rừng Ngàn Me về. Măng đắng được bày bán khá nhiều ở chợ Chùa Hang, Đồng Hỷ và dọc Quốc lộ 1B đoạn qua cầu Gia Bẩy, những cây măng chỉ bằng ngón tay theo chân lái buôn về tận các chợ nhỏ trong thành phố Thái Nguyên và trở thành món ngon trên mâm cơm mỗi độ xuân về.

Măng hái từ rừng, bỏ đi những bẹ lá, chẻ hay thái măng tùy theo ý thích, cho vào nồi luộc sơ qua với chút muối để giảm vị chát đắng, sau đó vớt ra ngâm nước lạnh khoảng 1 giờ là có thể chế biến được.

Cách chế biến đơn giản nhất là luộc măng chấm với muối ớt hoặc mắm tôm chanh. Măng bóc vỏ, để nguyên cây luộc qua hai lần nước, hết ngái là có thể ăn được. Vị đắng ngọt và giòn của măng quyện với vị mặn, cay của ớt đem đến cho người thưởng thức một cảm giác lạ: đắng nhưng không chát. Nếu không muốn ăn luộc có thể chế biến măng thành nhiều món: Xào, nấu canh… mỗi món ăn lại có một vị hấp dẫn riêng.

Măng hái đầu mùa bao giờ cũng ngon hơn cuối mùa, từ hương vị đến độ giòn. Vì thế, người ta thường vào rừng khi mùa xuân vừa tới, để tìm những cây măng đắng. Măng hái về cũng phải chế biến ngay mới giữ được mùi thơm của măng tươi.

Măng đắng Ngàn Me là sản vật đất trời ban tặng riêng cho Đồng Hỷ, mùa này đi trên Quốc lộ 1B sẽ thấy nhiều hàng măng bên đường, dừng lại mua chút hương vị của núi rừng, ăn một lần để nhớ.

Măng đắng - món ăn làm say lòng người

      Định Hóa nổi tiếng với cảnh đẹp thơ mộng, trữ tình của những rừng cọ, đồi chè xanh ngát; những lễ hội tưng bừng với điệu hát then mượt mà… Và nơi đây còn được biết đến với đặc sản măng đắng - món ăn có sức níu chân du khách mỗi khi ghé qua…
Đến Định Hóa, du khách dễ dàng tìm mua măng đắng - một món ăn đặc sản của người dân nơi đây.
Đến Định Hóa, du khách dễ dàng tìm mua măng đắng - một món ăn đặc sản của người dân nơi đây.


       Khi những cơn mưa xuân đầu tiên đổ xuống, thấm qua từng lớp đất dày, ấy là khi măng cựa mình, nhú những mầm non đầy sức sống để đón ánh nắng mặt trời và báo hiệu một mùa măng đắng mới bắt đầu. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, măng đắng đầu mùa được bắt đầu từ tháng Chạp, đây là lúc măng có vị ngọt và giòn nhất. Đến khi những cơn mưa rào xuất hiện cùng tiếng sấm rung chuyển đại ngàn là khi măng đã vào cuối vụ và chuyển sang vị đắng. Vì vậy, mới chớm xuân, trên khắp các ngả đường của huyện Định Hóa, du khách có thể dễ dàng tìm mua để làm quà cho gia đình, người thân. Măng đắng giờ đây không chỉ là món ăn dân dã của các dân tộc miền núi mà còn là món ăn yêu thích của tất cả những ai đã một lần thưởng thức nó.

 

        Những người mới ăn, chưa quen với vị đắng tê tê nơi đầu lưỡi thì thường tìm những loại măng củ to, tròn và chưa lên tai xanh. Loại măng này phải đào từ khi mầm vẫn còn nằm sâu trong lòng đất nên chưa có vị đắng. Nếu đem về rửa sạch, luộc kỹ, thái miếng to bản, ăn với thứ mắm tôm đánh chanh, ớt sủi bọt thì tuyệt ngon. Vị non ngọt của măng hòa lẫn vị chua cay của thứ nước chấm đặc biệt này khiến du khách dù chỉ thưởng thức một lần cũng không thể nào quên được dư vị dìu dìu, mát ruột ấy.


       Còn đối với những người sành ăn măng đắng thì vị đắng ngắt tưởng chừng không thể đắng hơn của những đọt măng cái mọc giữa hai mùa mưa và đã lên tai xanh lại có sức hấp dẫn lạ kỳ.  Nếu như người miền núi thích ăn măng cái nướng để giữ được vị đắng của măng thì người miền xuôi lại chế biến theo một cách khác. Măng cái được luộc kỹ với muối, sau đó ngâm với nước lạnh chừng một tiếng để giảm bớt vị đắng của măng sẽ dễ ăn hơn. Hoặc cũng có thể thái thật mỏng phần thân măng, xào với tỏi xém cạnh thì ăn sẽ rất tuyệt. Lúc đầu là vị đắng ngang, sau khi nhai từ từ sẽ cảm nhận được vị ngọt nhẹ, rất thú vị. Du khách được nếm thử một lần sẽ muốn ăn thêm những lần sau nữa...


          Mùa măng đắng lại về, ngày xuân, đến với núi rừng Định Hóa, ngồi bên bếp lửa nhà sàn cùng nhau nhâm nhi những chén rượu cay nồng và thưởng thức món măng đắng làm say lòng người, hẳn sẽ không còn gì thú vị hơn thế. Cuộc sống hiện đại hối hả trôi đi khiến người ta cảm thấy mệt nhoài, nhưng khi dừng chân ở chốn đại ngàn, du ngoạn và nếm những món ăn chất chứa sự mộc mạc, tinh nguyên của núi rừng sẽ khiến lòng người thảnh thơi với những cảm xúc mới lạ và tinh tế.

Chợ Đại Từ: Mùa măng đắng

thao_-huong_500

   Hàng măng tươi  ở cổng chợ Đại Từ

    Năm nay,mùa măng đắng đến sớm.Chưa đến Tết mà chợ đã có măng đắng măng ngọt bán.Cũng may đang mùa dịch trên đàn gia súc nhiều người đang không biết đổi món cho đỡ chán thì lại có món măng tươi để ăn.

 img_0917_500_01

   Ai mua măng đắng măng ngọt nào !

   Chỉ cần đỗ xe lại cạnh cổng chợ là có thể mua được măng đắng măng ngọt ngay.

         Từ sáng sớm,mấy chị buôn măng đã xếp măng cao như núi.Xung quanh còn mấy bao tải.Thế mà đến chiều là hết sạch,chỉ còn lại vỏ bẹ măng.Mấy bác có trâu kéo xe mang bao tải đến xin vỏ bẹ măng về cho trâu ăn

 img_0916_500

      Măng đắng hay măng ngọt nào.Loại gì cũng có !

     Măng năm nay giá khoảng 8.000 đến 10.000 /kg.Ai thích ăn măng đắng thì chọn cái to dài.Ai muốn ăn măng ngọt thì chọn những cái nhỏ. (Khi măng chưa chồi lên hoặc đang chuẩn bị chồi lên mặt đất thì măng còn ngọt.Một khi đã chồi lên khỏi mặt đất là sẽ đắng). Một chị bán măng giải thích cho khách như vậy.

 picture_304_500

     Mua đi chị:8000 đ/kg thôi.

     Khi mua măng hầu như ai cũng nhờ mấy chị mấy cô bán hàng dóc bẹ măng đi cho.Về nhà mà dóc thì hơi ngại,lại bị nhựa măng làm đen cả tay.Thế nên nhiều người nói vui:"Lỡ mấy chị ấy cân thiếu cho làm mà sao biết được.Vỏ đã dóc đi rồi thì căn cứ vào đâu?". Có người sau khi họ dóc xong bảo cô bán hàng  đặt lên cân thử xem còn bao nhiêu. Nhưng cân của mấy chị luôn để hơi chếch một chút.Đặt lên cái là họ đọc ngay khiến người mua chưa kịp nhìn.Giả sử các chị bán hàng lại đọc bớt đi một hai lạng.Về nhà cân lại vẫn đủ!

 thao_500

  Chị Thảo đang dóc măng cho khách

   Phần lớn măng được bán ở đây là được đưa về từ Định Hóa,Chợ Mới và nơi khác của Bắc Cạn.Măng mà chúng ta vẫn mua là măng của cây vầu,cây vẫn... Ngày nay nhiều gia đình có thu nhập lớn từ việc bán măng.

   Anh Tám,một người ở Phú Bình lên nhà bạn ở Đại Từ chơi nói: 'Sướng nhất là được ăn một bữa măng tươi luộc chấm mắm tôm thỏa thê".Còn anh Bình,một người ở thị trấn Đại Từ thì mua chục cân  măng cho vào thùng xốp để gửi cho người nhà ở  dưới Thái Bình.

 picture_002_500

           Bốn rưỡi chiều:Hàng măng tươi của chị Thảo-chị Hường đã sắp hết

   Măng tươi cung cấp cho cơ thể một số chất cần thiết đặc biệt là chất xơ.Nhưng trong măng tươi có một nhóm chất có hại cho cơ thể.Chất này cùng nhóm chất gây say ở sắn tươi,đỗ tươi... hơn nữa ăn nhiều măng có thể bị chướng bụng,khó tiêu.Do vậy cho dù măng đắng măng ngọt có ngon đến mấy thì các bạn cũng ăn vừa phải nhé.Chúc bạn có những bữa ăn ngon với món măng tươi.

Nhớ nao lòng vị măng đắng quê nhà

       Đúng là chẳng có sự cay đắng nào là... ngọt ngào và làm ta nhớ lâu như món măng đắng vùng núi khi mùa đông về.

         Đầu mùa khi những mầm măng mới nhú còn có vị ngọt xen lẫn vị đắng thế nhưng theo kinh nghiệm của người hái măng lâu năm thì cứ hễ có tiếng sấm là măng lại chuyển sang vị đắng nhanh chóng. Ngày trước dọc trên vùng cao Tây Nguyên và Tây Bắc đâu đâu cũng thấy măng đắng, người dân nơi đây chỉ cần ra ngõ là đã có măng mang về nhà. Nhưng ngày nay, muốn có măng đắng bà con phải vào tận rừng sâu mới tìm được.

         Người già trong bản vẫn kể cho con cháu nghe câu chuyện đã được truyền từ đời này sang đời khác: “Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, ở một bản Thái nọ có một chàng trai rất tài giỏi. Nhà nghèo khó nên cha mẹ chàng đặt tên là “Khôm” – tức là đắng. Song chàng rất giỏi trong mọi việc phát rẫy, trồng lúa… Lên núi chàng là một thợ săn tài ba. Những hội vui không ai sánh nổi chàng trong nhịp “khèn”, điệu “pí”. Ở cùng bản có nhà thống lý giàu sang, cô con gái đang độ tuổi trăng tròn. Khuôn mặt nàng như trăng rằm mùa thu, làn da trắng ngần như cánh hoa rừng thơm ngát, nên được đặt tên là “Bók” – tức Hoa. Mỗi khi nàng ngồi vào khung cửi, sợi bông thô như được thổi hồn, khung cửi bỗng reo vui trong nhịp thoi đưa, nàng “sấp đôi bàn tay đã được hoa văn, ngửa bàn tay đã thành hoa lá”. Tiếng hát của nàng trong vắt như tiếng chim rừng, như suối reo trong nắng mùa xuân. Các chàng trai đều thầm yêu trộm nhớ. Nhưng khăn piêu nàng đã trao cho chàng Khôm tài ba. Điều đó khiến cha nàng vô cùng tức giận và tìm mọi cách ngăn trở. Biết không thể vượt qua được những trở lực của gia đình, một hôm nàng Bók và chàng Khôm cùng nhau trốn vào rừng sâu, quyết bảo vệ tình yêu trong sáng.Thống lý vô cùng tức giận cho người nhà đuổi theo. Hai người đói, mệt, kiệt sức, đôi trai tài gái sắc nhìn nhau nước mắt dòng dòng như khắc sâu hình ảnh của nhau trong con tim ứa máu và tình yêu trắng trong chung thủy, rồi cầm tay nhau cùng nhảy xuống vực sâu. Đất bỗng dâng lên ôm trọn hai người vào lòng. Từ nấm mồ chung mọc lên một cây vầu – người Thái gọi là “mạy pao”, măng có vị đắng – tiếng Thái là “nó khôm”.

        Măng đắng hầu như có quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là mùa mưa - mùa măng mọc. Vào mùa này đi chợ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên bạn sẽ ngay lập tức bị choáng ngợp bởi những gùi, những đống măng xếp la liệt. Thậm chí măng đắng còn được bày bán khắp các con đường lớn nhỏ dẫn vào thành phố hay thôn bản. Mỗi mùa măng người dân lại lục tục rủ nhau vào các cánh rừng vầu để lấy măng. Vừa để ăn thay rau vừa để bán tăng thêm thu nhập.

Người sành măng đắng, ăn nướng mới thật đã.

         Măng hái từ rừng, bỏ đi những bẹ lá, chẻ hay thái măng tùy theo ý thích, cho vào nồi luộc sơ qua với chút muối để giảm vị chát đắng, sau đó vớt ra ngâm nước lạnh khoảng 1 giờ là có thể chế biến được. Đơn giản nhất là món măng đắng luộc chấm muối ớt mà cũng khiến bao người ăn một lần lại muốn có lần thứ hai, thứ ba. Với những người thích cái vị đắng, vị chát, thay vì luộc, người ta đem nướng măng đắng. Người sành măng đắng, ăn nướng mới thật đã.

       Còn người thành thị lại chế biến thành nhiều món hấp dẫn như xào mẻ, luộc, hầm xương, hấp quấn thịt vịt hoặc thịt lợn. Mỗi món một vị nhưng dù chế biến thế nào vẫn không lẫn đi đâu được vị đắng đắng của cây măng rừng ấy.

Vị măng đắng dân dã mà sao khó phai trong ký ức của những
 người con khi xa quê đến thế.

       Lạ hơn nữa là món nem măng đắng. Cái tên vừa lạ vừa quen. Người miền xuôi coi nem là món rất thông dụng, dễ làm mà lại ngon, bổ dưỡng. Nhưng nem măng đắng của người Tây Nguyên lại kì công và độc đáo hơn ở chỗ họ không dùng bánh đa nem để gói mà dùng những lá măng, nhân không phải thịt lợn, tôm… mà dùng thịt gà tơ.

       Muốn nem măng đắng ngon thì phải chọn măng đắng đầu mùa, vừa giòn, ngọt và hương vị thơm ngon hơn khi chế biến món ăn. Măng đắng đem về luộc chín, rồi lột lấy những tấm lá bánh tẻ mỏng, nhưng vừa mềm lại vừa dai để thay thế cho những chiếc bánh đa nem thông dụng.

Ngon lạ với món nem măng đắng.

       Nhân của món nem măng đắng được làm từ thịt gà băm nhỏ. Gà phải là gà tơ, gà đồi, thịt mới ngọt, ngon, xương mềm. Làm sạch và băm nhỏ cả xương lẫn thịt, cùng với củ kiệu, lá hẹ và các gia vị: hạt tiêu, nước mắm. Tiếp đó là công đoạn gói nem.

         Cho nhân vào từng lá măng, cuốn tròn lại cho khéo để nhân không rớt ra ngoài rồi cho vào chảo mỡ rán vàng. Để nhỏ lửa để nem không bị cháy, lật lại nhiều lần. Khi nem vàng và có mùi thơm thì gắp ra đĩa. Nem măng đắng có thể dùng để nhắm rượu, ăn với cơm đều được.

        Vị hơi đăng đắng của măng, vị ngọt của thịt gà tơ, vị béo của dầu, mùi thơm của các loại gia vị sẽ tạo nên hương vị đặc trưng riêng có của nem. Người dân Tây Bắc chỉ làm nem măng đắng trong những ngày truyền thống của làng bản, nhưng nay nó đã xuất hiện nhiều hơn trong bữa ăn để quảng bá với du khách về văn hóa ẩm thực nơi đây.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét