..


CHÀO CÁC BẠN GHÉ THĂM BLOG CỦA ĐOÀN LHSBUL 69'




Cảm ơn Bạn thăm Trang Blog
của Lưu học sinh học tại Bulgaria khoá 69-75!

ДОБРЕ ДОШЛИ В САЙТА НА БИВШИТЕ ВИЕТНАМСКИ СТУДЕНТИ В БЪЛГАРИЯ 1969-1975Г!


Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Спомени на виетнамския практикант за любимата България


Nguyễn Văn Ngoạn

BULGARIA – MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, cho dù năm tháng có qua đi, nhưng mãi còn đọng lại biết bao kỷ niệm ...đó là một thời để nhớ.
В живота на всеки един от нас, дори година и месеца са минали, но винаги остава толкова много спомени ...това е време за да се запомни.

БЪЛГАРИЯ - ВРЕМЕ, ЗА ДА СЕ ЗАПОМНИ.
BULGARIA – MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, cho dù năm tháng có qua đi nhưng mãi còn đọng lại biết bao kỉ niệm. Với tôi, thời gian sống , học tập và làm việc trên đất nước hoa hồng mãi là một kỉ niệm đẹp.Mặc dù đã hơn hai mươi sáu năm, tính từ ngày rời Sofia trên chuyến bay của hãng Aeroflot. tuy rời xa đất nước hoa hồng Bulgaria, nhưng hình ảnh đẹp đẽ về đất nước , con người nơi ấy vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi .
Ngày ấy, lớp thanh niên chúng tôi được đi học tập ở nước ngoài, nghĩ lại thấy đó thật là một điều may mắn. Hơn mười năm học tập, làm việc và được đi nhiều nơi trên khắp đất nước hoa hồng tươi đẹp; những kỉ niệm xưa vẫn còn đọng lại và mãi là : “MỘT THỜI ĐỂ NHỚ “
TRƯỚC KHI SANG NƯỚC BẠN
Sau mấy tháng nộp hồ sơ đi học công nhân kĩ thuật nước ngoài, chiều 27 tháng chạp năm 1975 tôi nhận được giấy báo tập trung ở Ty lao động vào ngày 05 tết. Ăn tết xong, tôi thu xếp vài bộ quần áo, ít tiền rồi lên đường. Gần trưa tôi đến Ty lao động Hải Dương, ở đó đã có mặt một số bạn cùng đi trong đợt này. Chúng tôi cả thảy 10 người, có hai bạn nữ, đều là học sinh đang học dở lớp 10. Nghe cán bộ dặn dò xong ,chúng tôi cùng nhau ra ga xe lửa đón tàu đi Hà Nội. Nơi chúng tôi cần đến là một làng thuộc huyện Thanh Trì, ngoại ô Hà Nội. Hơn hai giờ tàu mới chạy từ Hải Phòng lên, chúng tôi mua vé lên tàu đi Hà Nội.
Xuống ga Hàng Cỏ thì trời đã tối, Hà Nội đã lên đèn. Chúng tôi tìm nhà trọ gần đó nghỉ lại và sáng hôm sau hỏi đường đến nơi tập trung. Đi qua dốc Vĩnh Tuy một đoạn là đến.Nơi đây tập trung rất đông người, có cả các anh chị bộ đội nữa, chúng tôi thuộc quân của Bộ nông nghiệp quản lí và được phân công đi học nghề về máy nông nghiệp ở Bulgaria .
Ở đó vài ngày thì phải về nhà lấy tem gạo đem nộp và một số thứ đồ dùng cá nhân chuẩn bị cho đợt đi lao động ở Hòa Bình.
Nông trường Sông Bôi - Hòa Bình ngày ấy còn hoang sơ lắm, nhiều chỗ cỏ tranh mọc lút đầu. Xe chở chúng tôi từ Thanh Trì lên, Theo đường núi quanh co, không dễ đi như bây giờ. Đến trưa xe tới nơi, sắp xếp chỗ nghỉ xong chúng tôi đi quanh đây đó xem; nơi đây là khu lán trại của công nhân,trước đó nhiều đội cũng đã đến. Đội chúng tôi gồm 100 người do anh Minh quê Thanh Hóa làm đội trưởng. Công việc hàng ngày của chúng tôi là đào đất đắp mương dẫn nước cho cánh đồng của Nông trường. Đất đai rộng mênh mông , bấy giờ chỉ thấy trồng ngô. Mỗi sáng theo tiếng kẻng chúng tôi cùng nhau vào khu nhà bếp ăn sáng trước khi đi làm, bừa ăn sáng hàng ngày là món mì sợi, thứ ấy bây giờ không còn thấy. Mì được đun kĩ, nở to gần như chiếc đũa. Thời bao cấp ăn uống kham khổ kể ra chắc các bạn trẻ bây giờ không tin. Tối đến thỉnh thoảng lại thấy vài tốp kéo nhau qua suối vào nhà dân bản Mường gần đó mua sắn, mượn xoong nồi luộc và ăn với nhau. Khổ nhất đối với bọn học sinh vùng xuôi chúng tôi là không quen khí hậu, nước suối trong vắt, tắm thỏa thích sau mỗi buổi chiều đi làm về, nhưng rồi một số bị ghẻ, ngứa ngáy, rất may là tình trạng này cũng không kéo dài.
Ba tháng thấm thoắt trôi qua, đợt lao động cũng vừa hết. Chúng tôi được trở về Hà Nội kiểm tra lại sức khỏe và tiêm chủng ở phố Huế, sau đó chuyển lên Từ Sơn - Bắc Ninh học chính trị. Đến Từ sơn, chúng tôi ở trong nhà dân, vài ba người một nhà, ở đó hơn một tuần, chúng tôi được cấp phát tư trang đồng phục, mỗi người một chiếc vali da, một bộ comple, một đôi giầy để chuẩn bị sang Bulgaria. Hồi bấy giờ chỉ nghe nói Bulgari ở bên đông Âu, không ngờ xa xôi đến thế.
Cùng đi khóa này đông lắm, nghe nói 600 người, đi học theo nhiều nghành nghề. Bộ đội đi cũng nhiều, nhưng đa số là học sinh nông thôn, lần đầu đi xa không khỏi có nhiều háo hức xen lẫn bồi hồi nhớ nhà.

TRÊN ĐƯỜNG SANG NƯỚC BẠN
Tối 14 tháng 4 năm 1976 cả đoàn đợi tàu ở ga Từ Sơn - Bắc Ninh.Nhà ga cũng nhỏ,Gần ngày rằm nên trăng sáng hơn mấy ngọn điện đỏ quạch ở quanh sân ga. Từng tốp đứng, ngồi đợi tàu, ai ở gần thì có người nhà đưa tiễn, đa phần không có vì khi ấy phương tiện đi lại cũng khó khăn. Hơn 7 giờ tối tàu mới tới. Chúng tôi cùng nhau lên tàu bắt đầu cuộc hành trình sang nước bạn. Đoàn tàu xuyên màn đêm tiến dần lên biên giới phía bắc. Thấp thoáng hai bên là đồi núi của hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Đến gần 12 giờ đêm tàu mới tới ga Đồng Đăng, đây là ga cuối cùng trên đất nước ta, nơi có cửa khẩu Hữu Nghị giáp Trung Quốc. Chúng tôi xuống tàu nghỉ khoảng nửa tiếng, ai còn tiền Việt thì tranh thủ mua vài thứ lặt vặt được bày bán cạnh nhà ga như thuốc lá, kem đánh răng ...
Rồi đoàn tàu tiếp tục lăn bánh chậm chạp, lên đến cửa khẩu, một đội Hải quan phía bạn lên tàu kiểm tra ( Hồi ấy không phát hộ chiếu riêng cho từng người ). Tàu Việt Nam chở chúng tôi sang tận ga Bằng Tường, ga đầu tiên trên đất Trung Quốc. Trời vẫn chưa sáng, điện trên sân ga sáng trưng; chúng tôi xuống tàu để chuyển sang tàu liên vận Trung Quốc. Lần đầu tiên trong đời tôi được thấy một nhà ga rộng lớn, đẹp và sạch như vậy, và được đi trên con tàu sạch, đẹp đến thế.
Chúng tôi tiếp tục lên đường cùng con tàu liên vận Trung Quốc.Tàu chạy rất nhanh, sáng ra chúng tôi đến toa phục vụ để ăn sáng, một bữa ăn tuyệt vời sau một chặng đường dài. Từ đây, mọi sự sinh hoạt, ăn uống đều được phục vụ trên tàu. Tàu băng qua các cánh đồng rộng mênh mông, đôi khi cũng qua vùng núi đồi trập trùng. Qua cửa sổ tàu, thỉnh thoảng cũng thấy những người nông dân làm việc đồng áng cũng như dân mình vậy.
Qua thành phố Vũ Hán, tàu không dừng, trời tối nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của thành phố qua ánh điện; tàu vượt qua cây cầu đồ sộ bắc qua sông Trường Giang đưa chúng tôi tiến dần lên phía bắc của đất nước Trung Hoa mênh mông. Từ đây tàu toàn đi bên ngoài thành phố, qua các cánh đồng, hai bên đường tàu trồng bạch dương, thỉnh thoảng bắt gặp cảnh những đàn quạ đen nháo nhác trên các ngọn cây mỗi khi đoàn tàu chạy qua.
Đến sáng ngày thứ năm, chúng tôi có mặt ở nhà ga Mãn Châu Lí, ga phía đông bắc của Trung Quốc; ga biên giới tiếp giáp với Liên Xô. Chúng tôi xuống tàu để làm thủ tục chuyển sang tàu liên vận Liên Xô. Nhà ga biên giới trung Quốc tuy nhỏ nhưng rất sạch và đẹp, nền gạch men bóng loáng, đi giầy da không quen dễ bị ngã. Nghỉ hơn một tiếng chúng tôi chia tay đất nước Trung hoa, vẫy chào các công nhân đường sắt Trung Quốc, tiếp tục cùng đoàn tàu Liên Xô vượt qua vùng Si-bê-ri rộng lớn. Gần trưa, nhân viên trên tàu mới cho ăn, đồ ăn cũng bình thường, một số anh em xì xào rằng không bằng ăn sáng trên tàu Trung Quốc; Sau mới hiểu đây cũng là bữa sáng vì hai nước lệch múi giờ, như vậy cùng một ngày chúng tôi có hai bữa sáng trên hai đoàn tàu khác nhau, đây cũng là một kỉ niệm thú vị.
Đoàn tàu Liên Xô băng băng đưa chúng tôi qua rừng Tai-ga vùng Siberi mênh mông .Đôi khi, nhìn qua bên cửa sổ thấy nhiều nơi vẫn còn tuyết phủ trắng xóa. Thỉnh thoảng tàu dừng ở nhà ga trong thành phố, nhưng chúng tôi không được xuống. Đến ga Ki- ep cũng vậy, nhà ga đẹp và rộng lớn. Qua Ki– ép một ngày , tàu sang đến đất Rumani, như vậy đi trên đất Liên Xô hết 7 ngày đêm.
Sau một ngày đêm trên đất nước Rumani, tàu vượt trên cầu qua một con sông rộng, có ai đó nói : Đây là sông Đa-nuýp. Trời tối , chỉ thấy ánh sáng đèn trên cầu loang loáng qua khung cửa sổ. Tuy vậy chúng tôi vẫn cảm nhận được vẻ đồ sộ của cây cầu này.” Sau này khi được đi tham quan thành phố Rútse , chúng tôi mới thực sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của cầu Hữu Nghị trên sông Đa - nuýp."

Hơn 9 giờ tối , tàu dừng ở ga Rútse. Đây là ga đầu tiên trên đất nước Bulgaria. Trên sân ga, điện sáng trưng, chúng tôi không được xuống . Bên dưới có một số anh chị người mình ra đón; sau này mới biết đó là mấy anh phụ trách trường tiếng và một số anh chị học sinh các khóa trước học ở gần đó. Chúng tôi được phát mỗi người một túi đồ ăn gồm có gà quay, bánh mì, bia và nước ngọt; rồi đoàn tàu tiếp tục xuyên màn đêm đưa chúng tôi về trường tiếng. Hơn 8 giờ sáng ngày 28 thàng 4 năm 1976 đoàn tàu dừng lại ở ga Sliven ; chúng tôi xuống tàu, tập trung ở sân cỏ bên cạnh nhà ga, đây là ngày đầu tiên đặt chân trên đất nước hoa hồng, Ở đó đã chờ sẵn lãnh đạo thành phố, các anh chị phụ trách trường tiếng và có cả một đội kèn trống của thiếu nhi thành phố. Buổi đón đoàn tuy ngắn nhưng khá long trọng. Sau đó hơn chục xe ca đưa chúng tôi về cuối thành phố, nơi kiểm tra về sinh, phòng dịch. Mặc dù chúng tôi ai cũng có thẻ tiêm chủng quốc tế, nhưng vẫn phải theo quy định của nước bạn. Trước khi vào phòng tắm, mỗi người được phát một bộ đồ, còn quần áo cũ, đồ dùng của ai thì cho vào vali của người ấy, mỗi người được cấp một thẻ để buổi chiều nhận lại đồ sau khi đã “tiệt trùng”. Xong việc, xe đưa chúng tôi theo con đường ven thành phố để về trường tiếng, tuy xe chạy bên ngoài thành phố nhưng cũng thấy thành phố này thật đẹp.
Nơi chúng tôi học tiếng tên gọi là Kachulka, cách thành phố Sliven khoảng hơn hai chục km. Quanh trường là rừng cây, có vẻ yên tĩnh. Chỉ có một con đường ra thành phố, nơi đây có lẽ là một doanh trại cũ của bộ đội. Chúng tôi được phân công ở 4 người hoặc 6 người một phòng ở các ngôi nhà nhỏ kề gần nhau. Khu trường học là ngôi nhà hai tầng thoáng mát , nhà ăn tập thể gần đó. Mỗi lớp học 10 người do một cô hoặc thầy giáo người Bul phụ trách. Hàng ngày xe đưa các thầy cô từ thành phố vào trường. Hết buổi dạy xe lại đón thầy cô về; còn lại là bộ phận quản lí, cấp dưỡng; phía Việt Nam có 6 anh chị sinh viên học đã xong được phân công ở lại phụ trách. Tôi còn nhớ anh Mạo, anh Kế, chị Nguyệt, anh Độ... Ngày đầu nghe các anh chị nói tiếng Bulgaria cứ như gió ấy, bọn chúng tôi mới đến thật là ngưỡng mộ. Như vậy từ khi lên tàu cho tới lúc đến trường tiếng; cuộc hành trình của chúng tôi hết 14 ngày đêm, mà bây giờ nghĩ lại cũng lạ là sao hồi ấy không thấy ai bị say tàu nhỉ ?.Và một điều muốn nói nữa là khi lên tàu chúng tôi là công dân nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và khi đến nước bạn Bulgaria chúng tôi đã là người của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
THỜI GIAN TRONG TRƯỜNG TIẾNG
Những ngày đầu ở trường tiếng, có lẽ mọi người cùng có tâm trạng như tôi, đó là nỗi nhớ nhà. Chúng tôi, những học sinh tuổi 18 lần đầu xa nhà, xa người thân, bạn bè, xa Tổ Quốc , hỏi sao không nhớ ! Nhưng rồi nhiệm vụ học tập là trên hết, hàng ngày chúng tôi miệt mài với bài học, đánh vần từng chữ một , ai cũng tâm niệm rằng có học tiếng tốt mới mong học nghề giỏi.
Mỗi lớp học của chúng tôi có 10 người. Học không có phiên dịch, tài liệu cũng không, nên những ngày đầu cũng vô cùng bỡ ngỡ. Lớp tôi do cô giáo Nadezda Kostova dạy, cô cũng già rồi, dạy nhiệt tình nên chúng tôi dễ hiểu. Học về từ mới thì có đèn chiếu, hình ảnh là gì thì cô ghi chữ lên bảng rồi đọc, mọi người ghi chép lại rồi đọc theo. Biết tôi có học qua Tiếng Nga nên từ nào không hiểu thì cô nói tiếng Nga, Nếu tôi biết thì nhắc lại cho các bạn.
Mỗi tuần có một buổi chúng tôi chuyển đến học ở phòng phát âm, phòng học được trang bị máy móc hiện đại, thày giáo mở máy, chúng tôi nghe và đọc lại; ai đọc không đúng thì thầy sửa lại. Ngày chủ nhật chúng tôi được nghỉ. Trên đồi gần trường có sân bóng, mọi người chơi bóng ở đó. Trường cũng tổ chức chiếu phim ở hội trường, các đội thay nhau xem phim. Hồi ấy chúng tôi thích xem bộ phim “ Trên từng cây số “, một bộ phim hay của Bulgaria thời bấy giờ.Tôi nhớ anh Mạo hay thuyết minh phim.
Bài hát trong phim bây giờ tôi vẫn còn nhớ :
Ние сме на всеки километър

Нас червеното знаме роди ни,
нас не ще ни уплаши смъртта.
Ние сме на всеки километър,
ние сме на всеки километър -
и така до края на света.

Пада другарят в смъртен бой,
пада, за теб, свобода.
За да изгрее и стане той
малка червена звезда.
За да изгрее и стане той
малка червена звезда,

малка червена звезда.
Tạm dịch :
CÓ CHÚNG TÔI TRÊN TỪNG CÂY SỐ

Chúng tôi sinh ra từ lá cờ đỏ,
Chúng tôi không sợ sự hi sinh .
Có chúng tôi trên từng cây số ,
Có chúng tôi trên từng cây số -
Và như thế đến tận cùng thế giới

Đồng chí ngã xuống trong trận đánh quyết tử,
Ngã xuống, cho người, sự tự do .
Đồng chí đã trở thành,
Một ngôi nhỏ sao màu đỏ, tỏa sáng.
Đồng chí đã trở thành,
Một ngôi nhỏ sao màu đỏ, tỏa sáng.
Một ngôi sao nhỏ màu đỏ.

Vào một ngày tháng 7, trường tổ chức đón Đoàn cán bộ Quân sự từ trong nước đến thăm. Chúng tôi đứng thành hai hàng dài trước cổng trường chào đón đoàn.
Trong thời gian học, nhà trường tổ chức đi tham quan để học sinh giao lưu học tiếng thực tế. Các đội thay phiên nhau đi.

Chúng tôi được ra thành phố Sliven, lần đầu được vào siêu thị mua sắm.Trong cửa hàng không có người bán hàng, ai muốn mua gì thì lấy ra thanh toán tiền theo giá ghi trên hàng hóa, ai cũng ngạc nhiên. Rồi chúng tôi được đến Stara Zagora , Nova Zagora, Burgas. Ở Nova Zagora chúng tôi vào thăm một nông trường, ở đó trồng nhiều cây ăn quả như táo, đào, lê... Mùa này quả chín nhiều, chúng tôi được mời ăn thỏa thích và còn được cho mang về nữa. Có lẽ vì Việt Nam mới thắng Mỹ nên học sinh chúng tôi thời ấy được bạn quý mến hơn.
Gần đến cuối khóa, không khí học tập càng khẩn trương. Nhiều tối trời lạnh chúng tôi từng tốp đứng dưới ánh sáng đèn đường để học bài cho yên tĩnh. Nhà trường tổ chức thi đua giữa các đội, mỗi đội tuyển chọn 3 người học khá nhất để thi. hôm ấy tổ chức tại nhà ăn tập thể ( nhà ăn này rộng lắm, có thể chứa mấy trăm người ) Đội tôi có tôi, anh Khoa,chị xuyến. Ban giám khảo ra câu hỏi ,ai hiểu nhanh thì trả lời ( bằng tiếng Bul ), đội tôi hôm ấy giành giải nhì.
Thấm thoắt đã gần 6 tháng, chúng tôi ôn tập để chuẩn bị thi “tốt nghiệp” ra trường. Rồi ngày thi cũng đến, tôi may mắn là một trong mười người không phải thi. Hôm ấy có thời gian, tôi lang thang bên khu rừng cạnh trường,rừng không có cây to, cuối thu, cây rừng thay lá, lá rụng đầy gốc cây và lối đi , quang cảnh thật tĩnh mịch.

Đến ngày ra trường, đội sửa chữa máy nông nghiệp chúng tôi lúc đầu 100 người, nay chia làm hai, một nửa về Khaskovo do anh Minh làm đội trưởng, còn chúng tôi về học tại trường Kỹ thuật cơ giới nông nghiệp Mezdra, do anh Bản làm đội trưởng, chị Xuyến đội phó. Một chương trình mới đang chờ đón chúng tôi.
THỜI GIAN HỌC NGHỀ Ở TRƯỜNG KỸ THUẬT CƠ GIỚI NÔNG NGHIỆP MEZDRA
Trường Cơ giới nông nghiệp Mezdra - Bây giờ trường được đổi tên là
ПРОФЕСИОНАЛНА ГИМНАЗИЯ ПО МЕХАНИЗАЦИЯ НА СЕЛСКОТО СТОПАНСТВО - TRƯỜNG CHUYÊN VỀ CÁC LOẠI MÁY NÔNG NGHIỆP

Ngày 29 tháng 11 năm 1976, anh Ngô Đức Kế, sinh viên quản lí trường tiếng dẫn đội chúng tôi về Mezdra. Tàu đến ga trung tâm Sophia, chúng tôi xuống tàu và chuyển sang tàu về Mezdra. Nhà ga trung tâm Sophia thật đồ sộ và hiện đại, có rất nhiều thang máy để khách lên xuống ( kiểu thang cuốn như ở siêu thị của ta bây giờ ). Từ Sophia về Mezdra 110 km mà tàu chạy chưa đến 2 tiếng. Đối với chúng tôi thời bấy giờ cảm thấy là rất nhanh. Nơi chúng tôi đến học là Trường Kỹ Thuật Cơ Giới Nông Nghiệp. Trường nằm ngay cạnh thành phố, tọa lạc trên một khu đất rộng.Ngay phía trước là khu trung tâm giảng dạy. Một tòa nhà đồ sộ nhưng có vẻ cổ kính. Bên trái là khu thực hành với đủ các loại máy móc nông nghiệp. Bên phải là khu nhà 3 tầng ký túc xá và nhà ăn tập thể. Chúng tôi được bố trí ở tầng 2, bốn người một phòng, cuối hành lang là một phòng rộng làm nơi hội họp và xem ti vi.
Rồi ông Hiệu trưởng Đimitrov ( Ông được phong Anh hùng lao động ) gặp mặt đoàn, chiều hôm ấy tổ chức tại nhà ăn trên tầng hai, có nhiều học sinh bạn tham dự, ông hỏi thăm tình hình trong đoàn, biết chúng tôi nói được tiếng Bulgaria, ông rất mừng, chúc chúng tôi học tập đạt nhiều kết quả tốt đẹp. cuối buổi ông bảo chúng tôi hát vài bài, mấy chị em hát xong, ông bảo muốn nghe hát bằng tiếng Bulgaria, mọi người nhìn nhau, vì nói còn khó, làm sao mà hát được. Cuối cùng chị Xuyến bảo tôi, thú thực xưa nay tôi chưa bao giờ hát, tôi bảo không biết bài hát tiếng Bulgaria, chỉ nhớ một bài tiếng Nga có mấy câu và liều mạng hát, chả biết nghe có được không, đó là bài " đất nước tôi " được học hồi lớp 10. Không ngờ các bạn Bulgaria cũng biết bài đó và hát theo, rất vui.
Trường này được thành lập từ năm 1948, là một trong những trường đầu tiên ở vùng tây bắc Bulgaria . Qua nhiều năm phát triển , trường mới được như bây giờ. Nơi đây đã đào tạo rất nhiều công nhân lành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp của Bulgaria
Sau khi ổn định chỗ ăn ở, chúng tôi bước vào học tập. Cả đội 50 người, có 10 nữ, mấy chị lớn tuổi như chị Xuyến, chị Dục, chị Đính còn lại sàn sàn tuổi nhau như Mấn, Cải, Lan, Hòa, Nhung... .Nam có các anh Vang, Thọ, Hải, Thanh là lớn tuổi hơn còn lại là bọn học sinh cấp ba chúng tôi.Đội chia làm 2 lớp, mỗi lớp 25 người. Lớp tôi do thầy giáo Vasilep dạy, một tuần có hai buổi thực hành. Không như học sinh Bulgaria phải học cả văn hóa, học sinh Việt Nam chỉ chuyên về học sửa chữa các loại máy móc nông nghiệp như máy cày, bừa , máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch ngô, khoai tây, học nguội, rèn, tiện , phay, hàn ... . Thứ bẩy, chủ nhật chúng tôi được nghỉ, chúng tôi tự học bài và ôn luyện tiếng , thỉnh thoảng đi chơi ngoài phố, đi xem phim hoặc đi mua sắm đồ dùng sinh hoạt, chúng tôi được phụ cấp 120 lê va; hồi ấy tiền có giá lắm, mua được khối thứ, cũng đủ dùng trong sinh hoạt. Rồi đến tết dương lịch, tết của nước bạn. Tết ta chậm hơn một tháng, tết đầu tiên xa Tổ Quốc biết bao nhớ nhung. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng tham gia lao động cùng học sinh bạn, ra cánh đồng của nhà trường phụ trách, đồng ruộng mênh mông, chúng tôi làm cỏ ngô, thu hoạch củ cải đường. trưa ăn cơm tại chỗ, chiều có xe đưa về.

Vào dịp hè được nghỉ dài ngày, chúng tôi đi thăm bạn bè ở Khaskovo, Levski, Sophia.... Lâu ngày gặp lại nhau ở nơi xa quê hương đất nước, vui mừng biết bao. Từ chỗ chúng tôi học, đi lên thành phố Vrasa có 16 km, đó là thành phố đẹp ở phía Tây bắc Bulgaria. Ở đó cũng có một đội học sinh Việt Nam học .
Thấm thoắt hai năm học trôi qua, lớp tôi chuẩn bị tư trang đi thực tập. Nơi thực tập là nhà máy đại tu máy kéo Brusarsi thuộc tỉnh Mikhailovgrad, cách trường hơn 70km. Chúng tôi đi bằng tàu hỏa, Xuống ga Brusarsi, chúng tôi đi bộ về nhà máy, nhà máy cũng gần ga tàu, ga này là ngã ba đi Lom và Vidin

Nhà chúng tôi ở là ngôi nhà 2 tầng nằm đối diện với nhà máy. Hàng ngày chúng tôi chia làm nhiều nhóm làm việc cùng với công nhân Bulgaria. Công nhân Bugaria rất tốt , họ chỉ bảo cho chúng tôi rất nhiệt tình, cộng với sự cần cù chăm chỉ của người Việt Nam nên họ rất quý. Cứ 6 tháng chúng tôi lại đổi chỗ làm cho nhau để biết thêm về công việc. Đây là nhà máy đại tu máy kéo lớn nhất ở Bulgari, tôi thấy máy ở các tỉnh đều đưa về đây sửa chữa, máy được tháo dỡ toàn bộ để thay thế, sửa chữa, sơn lại gần như mới. Năm 1978 chiến tranh ở biên giới phía bắc nước ta , nhà máy tổ chức mít tinh bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam, nhiều người còn tình nguyện hiến máu. Hàng ngày biết chúng tôi vẫn theo dõi tin tức qua chương trình phát thanh dành cho đồng bào ở nước ngoài , mọi người luôn hỏi thăm tin tức ... thật vô cùng cảm động.
Rồi thời gian thực tập cũng hết, từ biệt bạn bè, nhà máy,chúng tôi lại quay về trường cũ để thi tốt nghiệp. Nhận bằng chứng nhận tốt nghiệp xong , thời gian về nước cũng đến, một số trong chúng tôi được chọn ở lại thực tập thêm 2 năm, còn lại chị em phụ nữ , một số anh chị lớn tuổi ( trước ở bộ đội ) và một số anh em về nước, thời gian đó là vào tháng 5 năm 1979. Còn lại chúng tôi chia làm hai nhóm đi thực tập ở hai nơi, tôi và một số bạn về lại nhà máy cũ Brusarsi làm việc.
THỜI GIAN LÀM CÔNG NHÂN
Hồi ấy Brusarsi vẫn còn là ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Mikhailovgrad, thuộc vùng Montana , nằm trên trục đường từ Lôm đi Mikhailovgrat và có đường xe lửa đi Lôm và Viddin, ngược lại là về Mezdra. Một ngôi làng nhỏ bé , yên tĩnh như bao ngôi làng khác trên đất nước Bulgaria.

Trở lại nhà máy làm việc, chúng tôi vẫn ở ngôi nhà cũ ngay cổng nhà máy. Bây giờ chúng tôi không phải là thực tập nữa, mà là công nhân thực thụ, lương cũng khá hơn trước nhiều nên đời sống cũng thoải mái hơn.
Ở vùng phía bắc của Bulgaria nên thời tiết cũng lạnh hơn, thực phẩm không thiếu, chỉ có rau là khan hiếm vì mùa đông không trồng được.Vào mùa đông, cánh đồng gần nhà máy tháng trước trồng ngô, hướng dương hoa còn vàng rực nay tuyết đã phủ trắng xóa.Chúng tôi ở 3 - 4 người một phòng, trong phòng đồ dùng cũng đơn sơ, bạn bè mỗi người một quê nhưng quý mến nhau.

Thứ bảy, chủ nhật nhà máy nghỉ làm việc nên chúng tôi có nhiều thời gian đi thăm quan các vùng lân cận. Từ chỗ nhà máy lên thị trấn Lôm có 25 km, chúng tôi hay đi bằng tàu hỏa, ra ga tàu mua vé đi chơi, chiều tối lại về. Lôm là một thị trấn nhỏ bên bờ sông Đa- Nuýp . Mùa hè, ra bến tàu thủy bên sông Đa-Nuýp ngồi chơi, gió thổi mát rượi, quang cảnh tươi đẹp, quên cả giờ về.
Vào mùa hè, thỉnh thoảng chúng tôi cũng lên Vidin chơi, trên đó có bạn đồng hương đi cùng đợt, hè nào ở đó cũng tổ chức hội chợ. Vidin là thành phố đẹp, yên tĩnh bên dòng sông Đa- Nuýp. Buổi chiều ra dạo công viên bên bờ sông, gió từ sông thổi mát rượi. Bên kia sông là đất nước Rumania, hai nước Bulgaria và Rumania có biên giới là sông Đa- Nuýp
Từ Brusarsi đi lên thành phố Mikhailovgrad hơn 30 km, đi bằng đường bộ. Chúng tôi thường đón xe từ Lom đi ngang qua. Ở Mikhailovgrad cũng có mấy đơn vị , có cả công nhân làm ở mỏ ( là học sinh khóa sau ). Phải công nhận Mikhailovgrad đẹp, công viên sạch sẽ, thoáng đãng.
Có lần nhà máy tổ chức đi tham quan, nơi đó gọi là Belogradchik. Ô tô chở chúng tôi đi đến một vùng toàn đồi núi. Được tham quan hang động, lần đầu vào hang cũng thấy lạ, hang này xuyên qua cả một quả núi lớn.
Thường ngày, buổi chiều sau khi đi làm về chúng tôi hay dạo gần khu nhà, ở hai bên đường tàu lối lên Vidin trồng nhiều anh đào, còn lối lên Lôm có nhiều mận, quả chín ăn tự do thỏa thích. Nhân dân vùng này rất tốt bụng và thật thà, nếu bạn đi đâu mà chưa có xe đến, bạn cứ đi chơi đâu đó và an tâm để hành lý ở chỗ đợi xe cả ngày cũng không sợ mất. Cạnh khu nhà ở của chúng tôi có sân cỏ rộng, chúng tôi thỉnh thoảng tổ chức đá bóng ở đó, cuộc sống tuy ở nông thôn nhưng cũng dễ chịu. Thỉnh thoảng chúng cũng đến mấy ngôi làng gần đó chơi như Kriva- bara , Đolđukovo, Bukovet... Nói chung bạn bè, nhân dân nước bạn rất hiền hòa và tốt bụng, tận tình giúp đỡ nhiều trong công việc cũng như trong cuộc sống, làm cho chúng tôi cảm như được sống trên quê hương đất nước của mình vậy; điều đó làm cho chúng tôi vơi đi phần nào nỗi nhớ quê hương đất nước để an tâm học tập và làm việc.
Trong thời gian làm việc ở đây chúng tôi được lãnh đạo nhà máy cho thi nâng bậc thợ cùng với công nhân bạn. Qua hai lần thi, chúng tôi đều đạt được bậc thợ 4/7 có vài ba người đạt 5/7.
Rồi hai năm làm việc cũng trôi qua, ngày về nước đến gần, chúng tôi ai cũng mong chờ ngày đó, lòng thầm nghĩ chắc đất nước có nhiều đổi thay. Thế rồi chính phủ hai nước kí kết hiệp định hợp tác lao động, một số trong chúng tôi được chọn ở lại làm việc tiếp cho nước bạn với thời gian 5 năm sau khi được về nghỉ phép 3 tháng. Chúng tôi mua sắm ít đồ dùng mang về nước, cũng không có gì nhiều ngoài một vài chiếc xe đạp đua của Liên Xô, ít vải vóc và các thứ linh tinh khác .. . Ngày về ,chia tay với công nhân nhà máy, xe nhà máy chở chúng tôi lên sân bay Sophia. Đợt về này chúng tôi được đi máy bay. Từ Sophia máy bay quá cảnh tại Đamat của Syri , xuống sân bay về chiều mà trời vẫn nóng tới 42 độ , vào nhà chờ nghỉ hơn 1 tiếng, phòng có máy điều hòa mát lạnh. máy bay dừng một chặng nữa tại Cancuta của Ấn Độ, sau đó về đến Nội Bài. vậy là 5 năm sau, đoàn học sinh chúng tôi mới trở lại quê hương đất nước. đó là tháng 5 năm 1981.
TRỞ LẠI NƯỚC BULGARIA.
Sau ba tháng nghỉ, chúng tôi nhận được giấy báo tập trung lại ở Hà Nội , nhưng rồi đến nơi lại được báo hoãn. Về nhà chờ đến tháng 11 năm 1981 mới có giấy triệu tập, tôi lại lên đường sang Bulgaria. Máy bay chở đoàn chúng tôi quá cảnh tại sân bay Bec- lin của Đông Đức. Trời tối, sáng hôm sau mới có chuyến bay sang Bulgaria nên xe đưa chúng tôi về nghỉ ở khách sạn gần đó. Sáng hôm sau xe lại đưa chúng tôi ra sân bay để sang Bulgaria.
Xuống sân bay Sophia tôi bắt xe ra ga trung tâm, mua vé về Brusarsi, cứ nghĩ mọi người sau khi sang lại sẽ tập trung tại nhà máy cũ, nhưng ở đó không có ai, hỏi dân bạn thì được biết có mấy người đến trước nhưng đi đâu đó, tôi lại về thành phố Mikhailovgrad đến chỗ anh bạn và biết là đơn vị tôi về làm việc ở nhà máy 15 - Karlovo.
Từ Mikhailovgrad tôi lại ngược về Sophia rồi đi tàu hỏa về Karlovo. Xuống ga tàu thì trời gần sáng, hỏi thăm đường về nhà máy 15 rồi cùng về với công nhân của nhà máy đi làm buổi sáng.
Cùng với công nhân nhà máy, chúng tôi đi tàu hỏa về ga Bania, rồi có xe chở về nhà máy. Ở đây tôi gặp lại các bạn cùng đội. Ở nhà máy này cũng có một đội học nghề khóa 8 đang làm việc. Nhà máy rất lớn, Đây là khu liên hợp chế tạo máy kéo của Bulgaria, công nhân ở đây quen gọi là nhà máy 15.
Nhà máy được xây dựng ở làng Vedrare ,cách Karlovo khoảng 9 km. Hàng ngày xe chở công nhân ở các nơi khác đến làm việc, hết giờ thì xe đưa về. Trước cổng nhà máy có bãi đỗ xe rộng lớn, cứ gần đến giờ tan ca thì rất nhiều xe đến đón công nhân.
Năm đầu tôi và mấy anh em ( Bản, Hường, Khoản ) ở cùng chung cư với người Bul, sau này thì chuyển ra khu dành riêng cho công nhân Việt Nam, cũng ở gần đó.
Ổn định chỗ ở và nghỉ vài ngày rồi chúng tôi kí hợp đồng lao động với nhà máy. Tôi vào làm việc ở xưởng lắp ráp máy kéo 110. Dây chuyền chỗ tôi chuyên lắp ráp máy kéo bánh xích Bolgar, niềm tự hào một thời của Bulgaria.Nhà máy rộng lớn gấp mấy chục lần so với nơi làm việc trước đây là nhà máy đại tu máy kéo Brusarsi thuộc tỉnh Mikhailovgrad
Karlovo là một phần của thung lũng Hoa Hồng, nằm dưới chân của dãy núi già (Stara Planina). Karlovo nằm ở trung tâm của Bugaria, trên đường từ Sophia đi thành phố biển Burgas và thuộc tỉnh Plovdiv vùng Tpakia. Từ Karlovo đi Plovdiv hơn 50km, đi bằng ô tô hoặc tàu hỏa đều được. Vùng này khí hậu ấm áp hơn Brusarsi, nơi trước đây chúng tôi làm việc ở phía bắc.
Từ Karlovo ngược lên Sofia 11 km là thành phố Sopot , ở đây có Tượng đài Ivan Vazov ở trung tâm thành phố ,nơi đây hay tổ chức các cuộc đua xe máy và cũng có công nhân Việt Nam làm việc.

Gần nhà máy có làng Bania, chúng tôi hay đến đó tắm nước khoáng vào những ngày chủ nhật.Tôi làm được khoảng 1 năm thì nhà máy tiếp nhận thêm công nhân Việt Nam sang lao động. Thời gian này trong nhà máy có hơn 100 công nhân Việt Nam, chỗ tôi cũng có thêm 2 người, anh em chỉ được học tiếng sơ qua vài tháng nên giao tiếp rất hạn chế; Tuy vậy công việc của chúng tôi làm rất tốt. Năng suất lao động của chúng tôi bao giờ cũng hơn hẳn công nhân bạn nên rất được nể phục. Ở Khu liên hợp này, anh em trong đội chúng tôi được thi nâng bậc và mỗi người tăng thêm một bậc thợ nữa. Hàng năm được nghỉ phép 14 ngày, chúng tôi đi biển, thường thì đi bãi tắm của công nhân Obzor ở Burgas, đi qua Bờ biển Mặt Trời ( Sunny Beach ) hơn 10 km thì đến.
Ở bãi biển này chủ yếu dành cho công nhân, nhưng cũng có nhiều khách du lịch nước ngoài. Hàng ngày chúng tôi ra bãi biển tắm, đến bữa thì về ăn ở nhà ăn mà nhà máy đã đăng ký. Hết đợt nghỉ, xe của nhà máy lại đón chúng tôi về.
Cũng có lần đi tự do đến Varna , nói chung biển của bạn sạch, đẹp và tự do tắm, không như bãi biển của ta rác nổi lều bều ven bờ với đủ các lệ phí.
Tuy ở xa Sophia nhưng những ngày nghỉ tôi cũng thường đến đó, ra Kazlovo mua vé tàu hỏa rồi đi, ở Gara Iskưr cũng có bạn đồng hương , mỗi lần đến Sophia tôi thường đi qua quảng trường Batenbeg
Quanh quảng trường này có nhiều tòa nhà của chính phủ, lăng Georgi Đimitrov, SUM .... thường là đi chơi trong ngày, tối lại ra ga trung tâm Sophia mua vé về Karlovo.
Ở gần thành phố Plovdiv nên chúng tôi cũng hay đến đó mua sắm. Bắt xe buýt đến làng Bania rồi đi tàu, hơn một tiếng là tới.Thành phố Plovdiv rộng lớn và đẹp. Ở đây vào tháng 5 có Hội chợ quốc tế.Hội chợ tổ chức hàng năm, trên một khu đất rộng, Việt nam cũng có hàng trưng bày với một gian hàng quá khiêm tốn so với các nước khác. Thăm quan hội chợ chắc phải mất nửa ngày mới xem hết các gian hàng của các nước trên thế giới.
Hội chợ ở gần ngay bờ sông Marisa, con sông này chảy giữa thành phố, có nhiều cây cầu đẹp bắc qua hai bên bờ sông y như cảnh trong phim bên Hàn Quốc vậy.
Ở trung tâm thành phố có con đường rộng dành cho người đi bộ, hai bên là các cửa hàng bán đủ thứ. Lần nào đến Plovdiv tôi cũng qua nơi đây, một dãy phố thật đẹp.
Cuối năm 1984, làm cả năm dành dụm được ít tiền tôi mua vé máy bay về phép . Đợt về này tôi đi máy bay hãng Aerophlot của Liên Xô. Lúc trở lại có quá cảnh tại sân bay Moskva, ở đó chuyển sang máy bay nhỏ về Sophia.
Ngày tháng cứ dần trôi, công việc của tôi vẫn như cũ. Ở Karlovo qua bạn bè tôi gặp được nhiều đồng hương sang học và lao động hợp tác ở nhiều thành phố trên khắp nước Bulgaria như ở Pernik, Kazanluc , Gara Ickưp Sophia , Veliko Turnovo, Gabrovo ... Đến 1 tháng 4 năm 1987 hết hạn lao động, đội tôi về nước. Từ biệt Bulgaria - Đất nước hoa hồng, xe nhà máy đưa chúng tôi lên sân bay Sophia trưa ngày 1 tháng 4 năm 1987, chúng tôi về đến Nội Bài vào chiều ngày 2 tháng 4 năm 1987.
Phải nói rằng, những năm tháng tuổi trẻ của lớp học sinh chúng tôi đã gắn bó với nhân dân Bulgaria, với đất nước hoa hồng . Cho dù năm tháng đã qua đi, nhưng trong chúng tôi vẫn còn đọng lại biết bao kỉ niệm tươi đẹp không thể quên được về đất nước hoa hồng Bulgaria.

"Thời gian lặng lẽ trôi qua,
Biết bao kỉ niệm trong ta vẫn còn ,
Mái đầu tóc điểm bạc thêm,
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ : NƯỚC BUL - HOA HỒNG."
( Nguyễn Văn Ngoạn - Thực tập sinh học nghề khóa V / 1976 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét