..


CHÀO CÁC BẠN GHÉ THĂM BLOG CỦA ĐOÀN LHSBUL 69'




Cảm ơn Bạn thăm Trang Blog
của Lưu học sinh học tại Bulgaria khoá 69-75!

ДОБРЕ ДОШЛИ В САЙТА НА БИВШИТЕ ВИЕТНАМСКИ СТУДЕНТИ В БЪЛГАРИЯ 1969-1975Г!


Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Thảo dược Trinh Nữ Hoàng cung với Nữ NCS Việt tại Bul


    • Khi có đã có đam mê, khát vọng, thì lòng kiên trì và chông gai sẽ là động lực, là công cụ để đạt được đam mê ấy, khát vọng ấy. Đó là điều có thể cảm nhận được từ sự nghiệp dấn thân cho khoa học và y học của Ts Nguyễn Thị Ngọc Trâm – người bào chế thành công thuốc Crila từ cây Trinh nữ hoàng cung. Với nhà khoa học tóc dài này, điều quý giá nhất mà nữ tiến sỹ nhận được, không phải là giải thưởng Kovalevskaia năm 2006 hay Giải thưởng nhà nước về KHCN 2010 mà ở thành quả nghiên cứu 20 năm có lẻ của bà đã chữa khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhân với một chi phí thấp nhất, ít đau đớn nhất.
    • Kết duyên với Trinh nữ hoàng cung

    • Thủa nhỏ, như một sự hữu duyên với cây cỏ đã được định trước, bên cạnh những giờ học tập, cô bé Trâm thường tìm nhổ những cây cỏ hoa mình thích đem bỏ vào lon sữa bò, trồng khắp vườn nhà. Năm 1991, Nguyễn Thị Ngọc Trâm bảo vệ luận án Tiến sỹ với kết quả xuất sắc sau 7 năm học tập và nghiên cứu tại trường Đại học Kỹ thuật Sophia, Bulgaria. Ngay sau đó, Ts Trâm trở thành trợ giảng của Khoa Hóa hữu cơ - Trường đại học Kỹ thuật Sophia, đồng thời là cộng tác viên của Viện hàn lâm khoa học Bulgaria. Tại đây, Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã tham gia trong nhóm nghiên cứu về các hoạt chất sinh học chiết xuất từ dược thảo có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. Thời gian này, nhớ lại lời dặn dò của người cha “Hãy nghiên cứu và làm ra viên thuốc từ thảo mộc của Việt Nam”, Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã đi khắp dải đất quê hương hình chữ S nhằm tìm kiếm những phương thuốc quý bằng thảo mộc trong dân gian.


    • Khi đến Huế, Nguyễn Thị Ngọc Trâm nghe các mế cao tuổi ở Huế mách trước đây có một cây gọi là tỏi lơi (tên dân gian của Trinh nữ hoàng cung) nhân dân thường dùng để chữa một số bệnh khối u như u vú, u gan. Cùng với đó, là những câu chuyện ly kỳ về Trinh nữ hoàng cung, cũng như những thông tin về việc các ngự y trong triều đình phong kiến ngày xưa thường sử dụng cây thuốc này chữa các bệnh liên quan đến u. Từ những thông tin đầu tiên, Ts Trâm đã sưu tập tất cả những cây tỏi lơi theo người dân nói là có khả năng chữa trị bệnh khối u, mang về nghiên cứu. Qua quá trình nghiên cứu, chiết xuất và mang các dịch chiết đưa thử nghiệm trên các dòng tế bào lành tính và ác tính thấy được kết quả các dịch chiết có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào u. Đây là một tín hiệu vô cùng quý giá để Ts Trâm quyết tâm dành cả sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình kết duyên với loài thảo dược có tên kiêu sa - Trinh nữ hoàng cung.

    • Ts Trâm hồi tưởng: “Trong phòng thí nghiệm của Viện Hàn lâm khoa học Bulgaria, qua kính hiển vi, khi nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ của tế bào lympho T hoạt động và phát triển thành từng đám sau khi động vật thí nghiệm được uống dịch chiết từ cây Trinh nữ hoàng cung, tôi và các đồng nghiệp đã hét lên vì sung sướng. Thời gian sống của động vật bị ung thư có uống dịch chiết từ cây Trinh nữ hoàng cung đã kéo dài 55 ngày so với động vật tương tự không uống dịch chiết này. Điều này minh chứng niềm tin của tôi về khả năng chữa trị khối u của vị thuốc quý của dân tộc, đồng thời càng tiếp thêm nghị lực để tôi tiếp tục nghiên cứu.” Và rồi, người phụ nữ ấy đã vượt qua nhiều gian nan thử thách, đưa các kết quả nghiên cứu từ Viện Hàn lâm khoa học Bulgaria và Trường Đại học Tổng hợp Innbrucks, Áo về Việt Nam.

    • Thành công đã chiều lòng người

    • Khi chuyển công trình nghiên cứu cây Trinh nữ hoàng cung về Việt Nam, Ts Nguyễn Ngọc Trâm phải đối mặt với nhiều thử thách, từ công nghệ đến cơ chế. Tiếp đó, khi chuyển thành quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm sang sản xuất ở quy mô công nghiệp tiếp tục là một thử thách không hề nhỏ. Từ nghiên cứu khoa học, Ts Trâm đã kiêm cả nghiên cứu công nghệ với việc xác lập một loạt thông số kỹ thuật phù hợp yêu cầu trong sản xuất để tiến hành sản xuất viên Crila đạt tiêu chuẩn chất lượng từ nguồn nguyên liệu, công nghệ sản xuất Việt. Trong suốt thời gian nghiên cứu và tổ chức sản xuất, nữ tiến sỹ này đã tư duy và đau đáu không chỉ trong phòng thí nghiệm và mọi lúc mọi nơi, từ khoảnh khắc trước khi đi ngủ, trong hành trình trên đường đi, trong bữa ăn…một sự ham muốn khám phá đầy nhiệt thành và hiếm có.

    • Để có thể phát triển nguồn nguyên liệu để sản xuất, cũng như bảo tồn giống gen của Trinh nữ hoàng cung, Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã nghiên cứu về thổ nhưỡng, khí hậu nhiều nơi và chọn được vùng trồng thích hợp cho sự phát triển của cây ở huyện Long Thành, Đồng Nai để phát triển dược liệu và vùng trồng ổn định, rộng trên 30ha. Sau 14 năm nghiên cứu ròng rã, năm 2004, sản phẩm thuốc Crila đã được Cục Quản Lý Dược, Bộ Y tế cho phép lưu hành toàn quốc từ năm 2005 và đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Hiệu quả điều trị của viên nang Crila đạt 89,18%  đối với u xơ tuyến tiền liệt, 79,5% đối với u xơ tử cung.

    • Viên nang Crila ra đời đã giúp đỡ rất nhiều phụ nữ bị u nang tử cung, u nang buồng trứng khó mang thai được hưởng hạnh phúc làm mẹ. Nữ tiến sỹ chia sẻ, không phải là giải thưởng Kovalevskaia năm 2006 hay Giải thưởng nhà nước về KHCN 2010 mà niềm hạnh phúc của những bệnh nhân được chữa khỏi bệnh với một chi phí thấp nhất, ít đau đớn nhất là điều quý giá nhất bà nhận được. Từ đó, Nguyễn Thị Ngọc Trâm lại có thêm nguồn động lực để chinh phục những mục tiêu, đỉnh cao tri thức mới.

    • Thành công hôm qua là khởi đầu của hôm nay

    •  Là cháu nhiều đời của danh thần văn võ song toàn Nguyễn Công Trứ, Ts  Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã thừa hưởng từ tiền nhân tinh thần hiếu học và thái độ bình thản trước khó khăn, biến chông gai thành công cụ để đạt đến khát vọng. Người có ảnh hưởng lớn nhất trong Ts Trâm là người cha bà hết mực yêu thương – Gs.TS Anh hùng lao động Nguyễn Văn Trương. Chính cụ Nguyễn Văn Trương đã xây dựng cho bà một tình yêu cháy bỏng với khoa học, cũng như đặt những viên gạch đầu tiên khám phá tri thức khoa học của nữ tiến sỹ này.

    • Ngoài ra, luôn ở bên động viên và cổ vũ, không phàn nàn khi Nguyễn Thị Ngọc Trâm bán đất, dồn tiền cho sự nghiệp khoa học, chính là chồng, con của bà. Với những người làm khoa học, chẳng có cái đích nào là duy nhất, họ luôn khám phá và chinh phục những thành công, một cách nhiệt thành, tâm huyết với một sung lực mạnh nhất có thể. Ts Nguyễn Thị Ngọc Trâm cũng vậy, hiện bà cùng các cộng sự đang tiếp tục nghiên cứu thuốc hỗ trợ điều trị ung thư được bào chế từ các phân đoạn alcaloid và flavonoid được chiết xuất từ lá cây Trinh nữ hoàng cung mang tên Crilin T, đề tài đang ở giai đoạn thử nghiệm in vivo, in vitro và gây độc tế bào ung thư. Năm 2013- 2014 tới sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng đánh giá khả năng điều trị và hỗ trợ điều trị ung thư của viên nang Crilin T.

    • Dài hơi hơn, đó còn là ham muốn nguồn thảo dược quý của dân tộc sẽ được phát huy hết tiềm năng. Ts Trâm trăn trở, nước ta có một nguồn dược liệu quý và đa dạng với hơn 3.850 loài cây thuốc; 403 loài động vật làm thuốc và gần 50% trong tổng số 11 nghìn loại hải sâm và sinh vật biển có tác dụng làm thuốc. Nhưng tiếc rằng hiện nay, thảo dược dân tộc của chúng ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Người phụ nữ này vẫn đang miệt mài với khát khao thuốc chế biến từ thảo mộc dân tộc sẽ chữa khỏi bệnh cho nhiều người dân, giảm chi phí nhập khẩu, thậm chí còn xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện tại, Crila đang được một số công ty dược phẩm nước ngoài liên hệ đặt hàng sản phẩm.

    • Bên cạnh thành công trong sự nghiệp khoa học, Ts Nguyễn Thị Ngọc Trâm rất hạnh phúc bên chồng, con trong tổ ấm gia đình mà bà rất mực chăm chút; đam mê và nỗ lực không ngừng nghỉ của bà, hẳn lấp lánh những truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét